Cạnh tranh trên thị trường viễn thông di động trong nước đang đến hồi gay cấn
khi mới đây Viettel “tố” Mobifone cạnh tranh không lành mạnh. Trước đó, vào hồi
đầu tháng 6, 3 đại gia là Viettel, MobiFone và VinaPhone cùng mở ra cuộc đua
giảm giá cước thực sự gây sốc với các thuê bao.



Trong hồi một của cuộc đua giảm cước giữa các mạng, Viettel chính là người mở
màn bằng tuyên bố giảm cước cực sốc, lên tới 30%. Nhưng điều đáng nói là hai đại
gia còn lại là MobiFone và VinaPhone đã tỏ ra cao tay khi dùng chính chiêu giảm
cước để đoạt mất danh hiệu “mạng di động rẻ nhất” của Viettel.



Và hồi hai của
cuộc đua giữa ba đại gia này cũng bắt đầu từ chính cái sự “rẻ hơn 10 đồng/phút”
này với tên gọi “Cạnh tranh không lành mạnh”.




Viettel lại tuyên chiến






Câu chuyện bắt đầu khi Viettel chính thức có công văn gửi Cục quản lý Cạnh tranh
(Bộ Công Thương) và Thanh tra Bộ Thông tin -Truyền thông tố MobiFone đã vi phạm pháp luật về
thương mại, quảng cáo và cạnh tranh, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của
Viettel.



Cụ thể là tại một số đại lý của MobiFone ở các tỉnh như Đồng Tháp, Sóc
Trăng, Hậu Giang, Cần Thơ, An Giang, Cà Mau, Kiên Giang, Vĩnh Long xuất hiện
các poster quảng cáo giá cước dịch vụ mới của MobiFone. Trên những poster này có
nội dung so sánh trực tiếp giá cước của MobiFone với giá cước dịch vụ của
Viettel.



Ngoài ra tại Hải Dương, MobiFone thực hiện bán hàng lưu động với chương
trình “Đổi sim mạng khác lấy sim MobiFone có 230.000 đồng trong tài khoản”. Cụ
thể khách hàng có sim của mạng khác (trong đó có Viettel), còn tài khoản dưới
15.000 đồng và còn hạn sử dụng, có thể đổi miễn phí 1 sim MobiZone của MobiFone
có sẵn tài khoản 50.000 đồng, mỗi tháng tặng thêm 15.000 đồng trong 12 tháng.



Công văn của Viettel cho rằng, theo Pháp lệnh Quảng cáo thì “Pháp luật nghiêm
cấm doanh nghiệp quảng cáo bằng việc sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp dịch
vụ của mình với dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác; lợi dụng quảng cáo để
xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác. Luật Cạnh tranh năm
2004 cũng xác định hành vi so sánh trực tiếp dịch vụ của mình với dịch vụ cùng
loại của doanh nghiệp khác là hành vi quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh.
Vì vậy, Viettel đề nghị các cơ quan cần có hoạt động kiểm tra, xác định và xử lý
các vi phạm nhằm đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường và quyền lợi
của Viettel cũng như các doanh nghiệp viễn thông khác.





Thêm một nước cờ sai?






Có vẻ như việc thất thế trong cuộc đua giảm cước đã khiến Viettel lựa chọn một
nước cờ khá mạo hiểm khi sử dụng những lý do tế nhị để tố MobiFone với một cái
tội cũng khá tế nhị là cạnh tranh không lành mạnh. Và chính điều này đã khiến
Viettel lâm vào tình thế “thua cơ” lần thứ hai.



Bởi sự thực là gần như ngay lập
tức, MobiFone đã phản pháo với việc thu thập các chứng cứ cho thấy chính Viettel
cũng đã từng khá nhiều lần áp dụng những “tiểu xảo” không khác những gì mà
MobiFone đã áp dụng.



Cụ thể năm 2006, Viettel cũng đã từng quảng cáo so sánh giá
cước ở Bắc Kạn và bị Bưu điện Bắc Kạn phản ứng mạnh mẽ. Sau đó là việc Bưu điện
Bình Thuận phản ánh hiện tượng nhân viên Viettel lắp vào điện thoại của khách
hàng VNPT thiết bị tự động chuyển cuộc gọi sang dịch vụ VoIP 178 của Viettel.
Hay như trước đây, Viettel cũng áp dụng chiêu thức “đổi số” cho khách hàng mạng
di động khác sang Viettel mà vẫn giữ nguyên số kèm khuyến mại.



Điều đáng nói
là những thông tin này không chỉ được xuất phát từ MobiFone, mà chính thức được
đưa ra bởi một mạng khác là EVN Telecom.



Một chuyên gia nhận định, trước đây, mặc dù có những phản ứng khác nhau, nhưng
các doanh nghiệp viễn thông đều “ngậm bồ hòn làm ngọt” và chỉ lên tiếng nhờ can
thiệp chứ không “tố cáo” như Viettel vừa rồi.



Thực ra, không chỉ Viettel,
MobiFone mà tất cả các mạng di động khác đều có những tờ rơi, bảng biểu so sánh
giá cước các dịch vụ giữa các mạng ở các cửa hàng, đại lý của mình. Đó được xem
như là hình thức tư vấn, tham khảo cho khách hàng. Những tờ rơi này được phát
công khai một cách không rầm rộ. Tất nhiên các đối thủ cũng biết nhưng chẳng ai
buồn kiện ai vì một lẽ đơn giản là chính mình cũng làm thế. Và Viettel đã “há
miệng” nhưng không tính đến “cái quai” mà mình đã mắc phải.



Cái thua thứ hai của Viettel trong hồi hai này là việc họ đã vô tình quảng bá
giúp MobiFone về việc mạng này có mức cước rẻ hơn Viettel tới 10 đồng/phút. Điều
này có thể thấy rõ ràng khi chuyên trang Công nghệ thông tin-Viễn thông của
hầu như tất cả các báo đều thông tin rất chi tiết về vụ này kèm theo chính tấm
ảnh chụp Poster quảng cáo của MobiFone. Và thay vì chỉ có tác dụng quảng cáo tại
một số tỉnh phía nam như: Đồng Tháp, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cần Thơ, An Giang, Cà
Mau, Kiên Giang, Vĩnh Long... thì giờ đây đã có thêm rất, rất nhiều người biết
đến việc mức cước của MobiFone rẻ hơn của Viettel.




Và câu chuyện quản lý






Sau một loạt các vụ tố ngược, Viettel dường như đã có biến chuyển. Thay vì yêu
cầu các cơ quan chức năng “phối hợp với các cơ quan nhà nước có liên quan có
hoạt động kiểm tra, xác định và xử lý các vi phạm nêu trên kịp thời nhằm đảm bảo
sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường viễn thông và quyền lợi của Viettel cũng
như các doanh nghiệp viễn thông khác” như trong lá đơn gửi Cục quản lý cạnh
tranh và Bộ Thông tin-Truyền thông, mạng di động này thông tin tới các báo là mới chỉ gửi công
văn lên Cục Quản lý cạnh tranh và Bộ Thông tin-Truyền thông, chứ chưa gửi hồ sơ cụ thể.




Trong khi
đó, trao đổi với Doanh Nhân, ông Đinh Việt Hưng, Trưởng phòng Giá cước-Tiếp thị MobiFone
cho biết, mạng này “không có chủ trương và chỉ đạo thực hiện việc so sánh giá
cước rẻ hơn Viettel và cũng rất muốn làm việc “nội bộ” với Viettel để giải quyết
khúc mắc giữa hai bên trên tinh thần cầu thị”.



Có thể thấy, dường như các “tiểu xảo” trong cạnh tranh đã trở thành thứ vũ khí
lợi hại được các mạng di động áp dụng khá phổ biến. Câu hỏi là tại sao mọi
chuyện chỉ trở nên ầm ĩ khi Viettel đứng đơn tố MobiFone? Một chuyên gia theo
dõi viễn thông lâu năm nhận định, sở dĩ trước đây Viettel thực hiện các tiểu xảo
nhưng không bị các doanh nghiệp “kiện” là vì đây mặc dù là doanh nghiệp hoạt
động trong lĩnh vực viễn thông (do Bộ Thông tin-Truyền thông quản lý) nhưng lại là một tổng công
ty lớn thuộc sự quản lý của Bộ Quốc phòng. Chính vì thế, rất khó để có thể đảm
bảo cho việc cạnh tranh công bằng và lành mạnh giữa các nhà mạng.



Hồi hai của cuộc cạnh tranh coi như đã kết thúc bởi rất nhiều người nhận định
rằng, chuyện kiện cáo này rồi cũng sẽ chẳng đi đến đâu. Quá lắm thì MobiFone sẽ
chịu xử phạt hành chính vì những hành vi “không phải chủ trương” của mình.




thêm một lần nữa, chắc chắn mức phạt này cũng là quá rẻ nếu so sánh về tính hiệu
quả truyền thông khi mà giờ đây ai cũng biết rằng giá cước của mạng này thấp hơn
của Viettel. Còn Viettel, sau hai lần xuất quân đều để mất tiên cơ, vì thế, rất
có thể sẽ còn hồi 3, hồi 4 của cuộc cạnh tranh sẽ được các nhà mạng tung ra
trong thời gian tới./.



Theo vietnamplus.vn