Công nhân làm việc tại nhà máy dệt ở tỉnh Hà Bắc, miền Bắc Trung Quốc. (Nguồn: THX/TTXVN)


Kinh tế Trung Quốc vừa phải gồng mình lên để chống chọi với những cơn chấn động mạnh vừa quét qua các sàn chứng khoán toàn cầu trong thời gian gần đây, song chừng đó chưa phải là tất cả khó khăn mà các doanh nghiệp nước này đang phải đối mặt.



Thử thách thật sự vẫn ở phía trước khi mức lợi nhuận của những doanh nghiệp này bị xói mòn do tình trạng giá giảm kéo dài liên tục trong bốn năm tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.



Tại Trung Quốc, trong bối cảnh các thị trường chứng khoán biến động mạnh và “sức khỏe” nền kinh tế không thật sự ổn định, lĩnh vực sản xuất cũng đã trở nên đình trệ với các doanh nghiệp nhỏ bước vào cuộc chiến về giá để giữ lấy thị phần, đồng thời trì hoãn các hoạt động mở rộng kinh doanh, khiến giá bán buôn liên tục lao dốc. Hồi tháng Bảy vừa qua, giá sản xuất tại Trung Quốc đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ cuối năm 2009.



You Zhenming, người đứng đầu một công ty sản xuất các phụ kiện cao su cho ôtô của Trung Quốc, cho hay công ty của ông đang phải đối mặt với một cuộc cạnh tranh khốc liệt và buộc phải nhường lại cho khách hàng những khoản lợi nhuận thu về khi giá hàng hóa đầu vào đi xuống và tỷ giá quy đổi xuống thấp để “dìm giá.' Bên cạnh đó, mặc dù giá cao su giảm song công ty của ông You vẫn không được hưởng lợi nhiều do số đơn đặt hàng ít đi.



Giá bán buôn giảm cũng khiến chi phí đi vay của các doanh nghiệp tăng cao, khiến lợi nhuận bị thu hẹp do chi phí đầu vào tăng và hoạt động xuất khẩu sụt giảm, buộc họ phải tạm ngừng các kế hoạch đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng.



Bên cạnh đó, có vẻ như những động thái nhằm cứu vãn thị trường gần đây của Bắc Kinh như việc Ngân hàng nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) điều chỉnh giảm lãi suất, động thái bất ngờ giảm giá đồng nhân dân tệ hay tăng cường các chính sách nới lỏng tiền tệ vẫn chưa phát huy hiệu quả đối với những doanh nghiệp tư nhân mà lâu nay không được tiếp cận các thị trường tài chính truyền thống như doanh nghiệp của ông You.



Ngoài ra, tình hình ảm đạm của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới không chỉ khiến các doanh nghiệp trong nước lo lắng mà còn phủ một đám mây u ám lên kinh tế toàn cầu, đặt các ngân hàng trung ương trên thế giới, đặc biệt là Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), vào tình trạng “đứng ngồi không yên” trong cuộc họp tập trung hàng năm với các quan chức ngân hàng trên toàn cầu diễn ra tại Jackson Hole, bang Wyoming bắt đầu từ ngày 27/8.



Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Fed Stanley Fischer cho biết không có quyết định nào được đưa ra trước cuộc họp của Fed diễn ra trong hai ngày 16-17/9, và các nhà hoạch định chính sách vẫn đang dõi theo tình trạng giảm sút tại Trung Quốc để xem nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này sẽ đi về đâu./.




Theo vietnamplus.vn