Đại biểu Đỗ Văn Vẻ, đoàn Thái Bình (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)


Báo cáo Tình hình Kinh tế-Xã hội của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, trong 10 tháng đã có là 60.164 doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động, tăng 29,1% so với cùng kỳ năm 2014.



Trong số đó, có 21.633 công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (chiếm 35,9%), 19.208 công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên (chiếm 31,9%), 11.514 công ty cổ phần (chiếm 19,3%) và 7.807 doanh nghiệp tư nhân (chiếm 12,9%).



Một diễn biến khác, sau 10 tháng, cả nước có 77.542 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 486.100 tỷ đồng, tăng 29,2% về số doanh nghiệp và tăng 37,9% về số vốn đăng ký (so với cùng kỳ năm 2014) đồng thời có 737.800 tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi vốn.



Đánh giá về bức tranh của doanh nghiệp trong nước thời gian qua, đại biểu Đỗ Văn Vẻ (đoàn Thái Bình) cho rằng, việc doanh nghiệp từ bỏ thương trường đều là do quy luật của kinh tế thị trường, nếu không có một chiến lược kinh doanh tốt thì chắc chắn sẽ phải đào thải.



Bên lề kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 13, đại biểu Đỗ Văn Vẻ đã chia sẻ với phóng viên một số đánh giá về tình hình doanh nghiệp hiện nay, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang chuẩn bị ký hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA).



- Ông có đánh giá thế nào về 'sức khỏe' của các doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ? Chính sách vĩ mô theo ông cần tập trung vào những lĩnh vực gì?



Đại biểu Đỗ Văn Vẻ: Tất nhiên một quốc gia có mạnh thì phải có nhiều doanh nghiệp mạnh. Muốn doanh nghiệp mạnh thì phải có thương hiệu mạnh. Ví dụ nói Toyota là nói đến Nhật, nói Coca-Cola là nói đến Mỹ ... ​



Không còn con đường nào khác, chúng ta đã hội nhập sâu rộng ​thì chúng ta phải tìm cách thúc đẩy cho doanh nghiệp phát triển hơn.



Hiện nay, nhiều ​doanh nghiệp lớn ​đã tập trung nâng cao trình độ, đẩy mạnh mô hình quản trị nhưng vẫn ​còn một bộ phận doanh nghiệp ​làm ăn manh mún, nhỏ lẻ, như vậy ​sẽ khó cạnh tranh.​



Việc Việt Nam tham gia hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do đ​ã mở ra cơ hội to lớn để đẩy mạnh xuất khẩu cũng như ​thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng quan trọng hơn, ​doanh nghiệp có thể học cách ​quản trị của họ, qua đó có thể hướng tới mô hình quản lý tốt, có thể phát triển đa ngành nghề…



Nhưng cũng phải thấy, thách thức hiện hữu là doanh nghiệp trong nước sẽ phải chấp nhận sự cạnh tranh lớn trên phương diện toàn cầu, chỉ doanh nghiệp nào có lợi thế sản phẩm tốt, giá thành hạ, mẫu mã đẹp, maketting tốt thì tồn tại nếu không đương nhiên sẽ giải thể.



Bài học lớn nhất là việc nhập khẩu nông sản, mặc dù là một đất nước nông nghiệp những chúng ta vẫn phải nhập khẩu đậu tương... vì giá thành của họ rẻ hơn giá sản xuất trong nước. Đây là điều các nhà hoạch định chiến lược cần phải suy nghĩ, tại sao chúng ta lại phải đi nhập cái mà chúng ta hoàn toàn có thể sản xuất trong nước.



Lợi thế nông nghiệp của chúng ta rất lớn, phải chăng chúng ta cần có chủ trương, định hướng rất rõ trong việc phát triển nông nghiệp, có chiến lược rất rõ ràng để nông nghiệp phát triển và phải hướng vào hiện địa h​óa, công nghiệp h​óa, đấy là cái chúng ta phải làm.



Còn về vĩ mô, rõ ràng chúng ta phải có cơ chế chính sách phù hợp. Giờ muốn đầu tư vào nông nghiệp thì phải có công nghiệp chế biến, phải có nhà máy, có những dự án. Mà muốn có dự án thì phải có cơ chế hấp dẫn thì các doanh nghiệp mới đầu tư.



Theo tôi, nhà nước cần phải có chính sách về thuế, giải phóng mặt bằng, cấp đất, và đột phá hơn nữa trong cải cách thủ tục hành chính … phải tạo môi trường thông thoáng nhất thì các nhà đầu tư mới yên tâm đầu tư vào nông nghiệp nông thôn.



- Với việc Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do mới, ông đánh giá thế nào dưới góc độ doanh nghiệp tư nhân?



Đại biểu Đỗ Văn Vẻ: Các doanh nghiệp rõ ràng nhìn thấy một áp lực rất lớn trên vai, vấn đề là cách làm thế nào, giải pháp thế nào, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ đang chiếm tới 90% trong tổng số các doanh nghiệp hiện nay.



Như đã nói ở trên, điều trước tiên là bản thân doanh nghiệp nhỏ phải tìm cách vươn lên bằng cách bắt đầu từ lao động sản xuất hoặc từ ý tưởng kinh doanh, chất lượng sản phẩm, từ việc xây dựng thương hiệu cũng như từ chiến lược phát triển ​để liên doanh liên kết với nhau ​nhằm nâng cao sức mạnh.



Bên cạnh đó, phải làm theo chuỗi sản phẩm ​để thay thế cho hình thức làm ăn nhỏ lẻ, mạnh ai người nấy làm. Có như vậy mới giữ được vị thế trên sân nhà.



Trong quá trình hội nhập, chúng ta cũng phải chấp nhận cả thành công và thất bại, tuy vậy cần rút kinh nghiệm từ thất bại để tổng kết lại và tìm cách để vươn lên.



- ​Có câu chuyện, nhiều ​địa phương vẫn muốn có thành tích thu hút nhà đầu tư nước ngoài hơn là việc thu hút được doanh nghiệp trong nước thực hiện các dự án nông nghiệp, vậy ý kiến của ông thế nào?



Đại biểu Đỗ Văn Vẻ: Tôi rất mừng vì đã có nhiều doanh nghiệp, doanh nhân, nhà đầu tư đang hướng vào đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao như FPT, Hòa Phát, Hoàng Anh Gia Lai…



Các tập đoàn này đã nhìn thấy chiến lược trong phát triển nông nghiệp Việt Nam là lĩnh vực có lợi thế, tiềm năng. Nhiều doanh nghiệp đã đi nghiên cứu ở các quốc gia tiên tiến để có thể áp dụng thành công các thành tựu khoa học công nghệ vào nông nghiệp.



Tuy nhiên để các ý tưởng của các doanh nghiệp, nhà đầu tư thành công thì bên cạnh ý tưởng sáng tạo cũng cần có sự hỗ trợ tích cực về chính sách nhằm tạo ra cơ chế phù hợp để khuyến khích các nhà đầu tư phát triển tốt hơn, tạo động lực cho các nhà đầu tư để họ có điều kiện phát triển cũng như đạt được hiệu qua thì họ mới mặn mà, hăng hái mang tiền bạc để đầu tư phát triển.



Doanh nghiệp đang cần thể chế chính trị ổn định, môi trường đầu tư phải thông thoáng và thủ tục hành chính phải đơn giản h​óa, thuận tiện hơn. Đặc biệt doanh nghiệp rất cần sự hậu thuẫn của nhà nước trong việc tiếp cận các nguồn vốn để đẩy mạnh đầu tư, nâng cao hiệu quả kinh tế.



Theo tôi, chính quyền địa phương cũng cần tiếp xúc nhiều hơn với doanh nghiệp để lắng nghe và tháo gỡ những khó khăn cho nhà đầu tư, qua đó đề ra những mục tiêu, chiến lược tốt nhất để doanh nghiệp không còn băn khoăn, khi tham gia bỏ vốn vào ​lĩnh vực nào đó.



Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)


- Áp lực nguồn vốn vay và lãi suất hiện đã được giải quyết như thế nào? nhiều ý kiến cho rằng vốn tại nhiều ngân hàng đang thừa nhưng doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận?



Đại biểu Đỗ Văn Vẻ: Theo tôi câu chuyện thiếu thời gian, thiếu vốn, thiếu kỹ thuật và nhân lực chất lượng cao luôn là vấn đề lớn của doanh nghiệp. Nhưng cần phải nhìn ở nhiều góc độ.



Thứ nhất, nhiều ngân hàng đang thừa vốn, thậm chí trực tiếp đến tiếp cận với các doanh nghiệp để tìm hiểu các cơ hội kinh doanh. Nếu doanh nghiệp tốt ngân hàng sẵn sàng bỏ vốn cùng hợp tác. Như vậy vốn không sợ thiếu, chỉ sợ không có doanh nghiệp tốt.



Về lãi suất, hiện nay đã giảm ​mạnh so với năm 2011. ​Nhưng tôi phải khẳng định lại là vốn, lãi suất không còn là vấn đề khó nếu doanh nghiệp có dự án tốt.



Còn về môi trường kinh doanh hiện các tỉnh cũng đều có ý thức muốn mời các nhà đầu tư vào để kinh doanh, thậm chí nhiều tỉnh đã tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư, để mời các doanh nghiệp tham gia đầu tư...



Rõ ràng nhiều địa phương cũng đã cầu thị, muốn các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh của mình, nhưng cũng có trường hợp gây khó dễ tuy vậy, tỷ lệ đó sẽ giảm dần. Bởi lẽ, thông qua việc cải thiện môi trường đầu tư, tỉnh nào không có môi trường tốt các nhà đầu tư sẽ chuyển đi tỉnh khác.



Vấn đề hiện nay nằm ở doanh nghiệp, quan trọng nhất là phải thay đổi phương thức quản lý, tập trung đổi mới công nghệ nhằm tạo ra được sản phẩm tốt, có tính cạnh tranh cao... nếu làm được điều này thì các doanh nghiệp kể cả vừa và nhỏ hoàn toàn có thể vượt qua được khó khăn, nhất là trong bối cảnh hội nhập sâu với thế giới.



- Xin cảm ơn ông./.



Theo vietnamplus.vn