Nhà máy năng lượng hạt nhân Tricastin Areva tại thị trấn Pierrelatte, phía Đông Nam nước Pháp. (Nguồn: AFP/TTXVN)


Phóng viên TTXVN tại Pháp dẫn thông báo ngày 2/2 của tập đoàn năng lượng hạt nhân Areva cho biết trong năm tài khóa 2014, doanh số của Areva giảm 8% xuống còn 8,3 tỷ euro.



Các kết quả tài chính khác chưa được công bố, nhưng ban lãnh đạo Areva dự kiến rằng thua lỗ có thể lên đến trên 1 tỷ euro, con số này trong 6 tháng đầu năm 2014 là 694 triệu euro.



Ông Phillippe Knoche, người vừa đảm nhận trọng trách Tổng Giám đốc Areva từ ngày 8/1, cho biết ông cùng ban lãnh đạo mới đang điều hành một tập đoàn trong tình trạng khó khăn, điều này buộc tập đoàn phải xây dựng và triển khai sớm kế hoạch cải cách.



Tập đoàn dự định sẽ giới thiệu các biện pháp tiết kiệm mới cũng như các triển vọng chiến lược và kế hoạch triển khai các dự án trong trung hạn, vào thời điểm công bố các kết quả kinh doanh năm 2014 dự kiến diễn ra vào ngày 25/2 sắp tới.



Trước đó, tập đoàn Areva cũng đã thông báo rằng đầu tháng Ba họ sẽ chính thức công bố kế hoạch quay trở lại với sự cạnh tranh toàn cầu đầy tham vọng của mình.



Do Chính phủ Pháp nắm giữ 87% vốn của tập đoàn, chính vì vậy, trong nhiều tuần qua, ban lãnh đạo mới của Areva cùng với Cơ quan đại diện vốn nhà nước trong tập đoàn đã xây dựng kế hoạch chấn hưng tài chính và cụ thể hóa các mục tiêu. Đây là kế hoạch có quy mô đứng thứ hai sau kế hoạch có tên 'Hành động 2016' được triển khai từ đầu năm 2012.



Trong số các biện pháp, Areva sẽ chú trọng tăng cường khả năng tái cấp vốn và tăng cường quan hệ với Tập đoàn Điện lực Pháp (EDF), nỗ lực để cắt giảm ở mức thấp nhất trong số 45.000 vị trí việc làm của tập đoàn. 2/3 số việc làm này là tại chính nước Pháp, nhưng chỉ tạo ra được 1/3 giá trị doanh số. Tổng Giám đốc Philippe Knoche cũng đã lên kế hoạch đàm phán với các tổ chức công đoàn về kế hoạch cắt giảm.



Trong những năm qua, Areva đã vay nợ khoảng 7 tỷ euro và chuyển nhượng phần góp vốn có giá trị khoảng 7 tỷ euro tại nhiều công ty như Areva T&D, STMicroelectronics, Eramet, GDF Suez, Safran… Thách thức đặt ra cho ban lãnh đạo mới là phải thoát khỏi vòng luẩn quẩn vay nợ và thoái vốn tại nhiều công ty.



Hoạt động của Areva đi xuống trong những năm qua là do nhu cầu thị trường giảm sút kể từ thảm họa Fukushima cách đây 4 năm. Trên thực tế, việc bán các lò phản ứng rất chậm, đặc biệt là lò phản ứng EPR- lò phản ứng nước áp lực châu Âu, thuộc thế hệ lò phản ứng thứ ba.



Bên cạnh đó, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt đến từ các tập đoàn của Nhật, Mỹ, Nga, Hàn Quốc, và hiện tại là cả của Trung Quốc. Các khách hàng cũng ngày một khó tính về giá các thiết bị và dịch vụ.



Trong khi đó, Areva tiếp tục tỏ ra chậm chạp và yêu cầu tăng chi phí tại công trường xây dựng nhà máy điện hạt nhân Olkiluoto, tại Phần Lan.



Theo kế hoạch, lò phản ứng hạt nhân này sẽ được đưa vào sử dụng năm 2018,chậm hơn 9 năm so với kế hoạch ban đầu./.


Theo vietnamplus.vn