Trạm thu phí tự động không dừng tiết kiệm nhiều chi phí, mang lại lợi ích kinh tế-xã hội. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)


Công ty cổ phần Tasco vừa có đề xuất lên Bộ Giao thông Vận tải xin làm nhà đầu tư thực hiện dự án thu phí tự động không dừng và kiểm soát tải trọng xe trên toàn quốc-giai đoạn 1 áp dụng cho Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên theo hình thức hợp đồng BOO (xây dựng-sở hữu-kinh doanh).



Hiện nay, Tasco đang quản lý và khai thác 2 trạm thu phí Tân Đệ (Thái Bình) và Mỹ Lộc (Nam Định) và phía đơn vị này nhận thấy, việc thu phí thủ công theo công nghệ một dừng như hiện nay đã khá lạc hậu, có nhiều nhược điểm và tốn thêm nguồn nhân lực để duy trì hoạt động tại trạm trong khi công nghệ thu phí tự động không dừng không phải dừng chờ tại trạm thu phí, tích hợp được nhiều tính năng như kiểm soát tải trọng xe, đăng kiểm, xử phạt vi phạm giao thông.



Trước đó, Tasco đã đề xuất và được Bộ Giao thông Vận tải cho triển khai thí điểm hệ thống thu phí tự động không dừng. Ngày 13/3 vừa qua, Tasco đã tổ chức thành công việc chạy thử nghiệm hệ thống thu phí không dừng và kiểm soát tải trọng xe tại trạm Km604+700 (Quảng Bình) và sẵn sàng cho việc triển khai áp dụng thực tế.



Ông Vũ Quang Lâm, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tasco nhìn nhận, với hơn 100 trạm thu phí đã và sẽ xây dựng trên toàn quốc, việc áp dụng công nghệ thu phí tự động không dừng và kiểm soát tải trọng xe sẽ mang lại những lợi ích kinh tế-xã hội vô cùng to lớn.



Theo tính toán sơ bộ của nhà đầu tư, công nghệ này có thể giúp tiết kiệm ít nhất 3.400 tỷ đồng/năm trong đó tiết kiệm chi phí in vé 70 tỷ đồng, chi phí nhiên liệu khoảng 233 tỷ đồng, chi phí thời gian cho hành khách tham gia giao thông khoảng 2.800 tỷ đồng, tiết kiệm ngân sách Nhà nước chi cho hoạt động của trạm cân lưu động khoảng 240 tỷ đồng, giảm bộ máy hành chính Nhà nước khoảng 120 tỷ đồng.



Ngoài ra, hệ thống thu phí tự động còn có các lợi ích khác như giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng tuổi thọ động cơ, rút ngắn thời gian lưu thông hàng hóa trên đường, giúp cơ quan chức năng quản lý đăng kiểm xe, xử phạt nguội giao thông, theo dõi điều tra các xe mất trộm...



Để có thể triển khai áp dụng đại trà công nghệ thu phí tự động không dừng và kiểm soát tải trọng xe trên toàn quốc, Tasco đề nghị Bộ Giao thông Vận tải giao cho đơn vị là nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án trên-giai đoạn 1 áp dụng đối với Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên theo hình thức BOO.



Đề cập đến phương án thực hiện, Công ty cổ phần Tasco tổ chức lập dự án đầu tư trình Bộ Giao thông Vận tải thẩm định và phê duyệt, đầu tư xây dựng và vận hành hệ thống và tổ chức thu phí cho toàn bộ các trạm thu phí trên toàn quốc. Tất cả các chi phí đầu tư dự án, vận hành hệ thống và tổ chức thu phí được hoàn vốn bằng chi phí quản lý thu phí từ các dự án BOT.



Trước đó, tại cuộc họp báo công bố công nghệ thu phí không dừng và kiểm soát tải trọng xe trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên vào ngày 10/3, theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường, xét về lâu dài, trạm không dừng chi phí xây dựng thấp hơn trạm cố định bởi trạm cố định còn phải xây nhà cho công nhân trong khi trạm không dừng chỉ cần một nhà điều hành nhỏ, không cần người vận hành nên không làm tăng tổng mức đầu tư.



“Người hưởng lợi trực tiếp từ dịch vụ này chính là lái xe vì mức phí không tăng lại tiết kiệm được thời gian. Nhà đầu tư cho dự án BOT cũng yên tâm hơn khi lượng thu phí đi qua trạm bao nhiêu thì sẽ được truyền về Ngân hàng và kiểm soát được luôn. Các cơ quan quản lý Nhà nước cũng chống được thất thoát, tiêu cực,” Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nhấn mạnh.



Trước những lo ngại về việc áp dụng công nghệ mới, phí đường bộ mà người dân phải đóng sẽ tăng lên, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẳng định, mức phí chủ phương tiện phải đóng vẫn sẽ giữ nguyên như hệ thống thu phí hiện tại đang áp dụng./.




Theo vietnamplus.vn