Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)


“Nói đổi mới, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cần phải đi vào thực chất, làm sao có nhiều cổ đông tham gia và các cổ đông này thực sự có vai trò để thay đổi được mô hình quản trị doanh nghiệp và chất lượng thì việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước mới có hiệu quả”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh từng nhấn mạnh khi đề cập đến việc không chạy theo kế hoạch, thành tích trước sức ép lớn từ việc cổ phần hóa đối với doanh nghiệp nhà nước trong năm 2015.



Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, “điều chúng ta mong muốn là cải cách, cổ phần hóa doanh nghiệp để thay đổi mô hình quản trị theo hướng hiện đại, dân chủ, có kiểm soát. Doanh nghiệp nhà nước vẫn là lực lượng nòng cốt, nhưng thời gian tới cần thu hẹp lại ở một số lĩnh vực then chốt nhất của nền kinh tế. Với kinh nghiệm của các nước, chúng ta cần soi vào điều kiện của Việt Nam, để đưa ra những khuyến nghị, hỗ trợ cải cách, xác định doanh nghiệp nhà nước có vai trò mới trong bối cảnh, điều kiện kinh tế mới.”



Thực tế cho thấy, trong hơn 20 năm qua, Việt Nam đã không ngừng cải cách, số lượng doanh nghiệp nhà nước đã giảm từ hơn 12.000 doanh nghiệp những năm 1990, xuống còn 5.600 doanh nghiệp hiện nay; trong đó, chỉ còn 800 doanh nghiệp nhà nước giữ 100% vốn, số còn lại đã cổ phần hóa ở các mức độ khác nhau.



Doanh nghiệp nhà nước được giao quản lý tài sản trên 3 triệu tỷ đồng, đây là số vốn không nhỏ dù số lượng chỉ chiếm 1% tổng số doanh nghiệp của cả nước.



Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp này, nhất là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước và vai trò của nó trong nền kinh tế quốc dân vẫn còn nhiều tranh cãi. Hơn nữa, trong quá trình cổ phần hóa, nhìn về số lượng thì thành công, nhưng tỷ trọng cổ phần hóa trong các doanh nghiệp này còn rất thấp; đặc biệt, là các tập đoàn lớn, thậm chí, có những tập đoàn đã cổ phần hóa nhưng không đến 5%.



Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng thừa nhận, hiện nay chưa thể thay đổi, vì 95% vẫn là của Nhà nước nên cách vận hành doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp vẫn như cũ. Như vậy, hiệu quả trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước cần được xem lại.



Theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), nếu chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước sang một doanh nghiệp mới chỉ cổ phần hóa 5-7-10% mà cho rằng doanh nghiệp đó có quyền như một doanh nghiệp cổ phần hóa thì sẽ tạo ra một kẽ hở. Vì vẫn vốn nhà nước, vẫn con người đấy nhưng có quyền quyết định cao hơn rất nhiều, sự kiểm soát của Chính phủ thấp hơn rất nhiều, đó là điều nguy hiểm trong nền kinh tế.



Điểm lại những mặt còn hạn chế, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhận định, việc triển khai xây dựng, thẩm định, phê duyệt Đề án tái cơ cấu của một số doanh nghiệp còn chậm. Một số đơn vị chưa kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.Việc chần chừ trong chỉ đạo điều hành tái cơ cấu của một số lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước gây chậm tiến độ đã thấy rõ.



Ông Nguyễn Đình Cung cho rằng, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước không phải chỉ tập trung về lượng là phải cổ phần hóa bao nhiêu doanh nghiệp mà “vấn đề quan trọng là làm thế nào nâng cao được hiệu quả quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả quản trị, sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp nhà nước”.



Thực tế, các doanh nghiệp nhà nước có quá nhiều mục tiêu và chính điều đó đã ngăn cản doanh nghiệp hoạt động một cách có hiệu quả nhất, nhiều chuyên gia kinh tế đã cho biết như vậy.



Bên cạnh đó, những lo lắng để hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa “chốt” vào thời điểm ngày 31/12/2015 là có cơ sở khi mà hầu hết là các doanh nghiệp có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp nên cần có nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý cũng như cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính.



Để đẩy mạnh chương trình tái cơ cấu, Bộ Tài chính xác định sẽ thực hiện nhiều “biện pháp mạnh” như tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước theo ngành, lĩnh vực kinh doanh, không phân biệt cấp, cơ quan quản lý; chuyển các doanh nghiệp không đủ điều kiện hạch toán kinh doanh độc lập thành các đơn vị phụ thuộc của Tập đoàn, Tổng công ty nhằm tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững.



Theo Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên, mục tiêu, tiến độ cổ phần hóa cũng cần được điều chỉnh. Điểm quan trọng nhất là phải hướng tới nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhằm góp phần tăng cường chất lượng hàng hóa, dịch vụ cho nền kinh tế, qua đó thúc đẩy quá trình cải thiện năng lực cạnh tranh và tái cơ cấu nền kinh tế.



Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung khẳng định, khi chưa thay đổi được luật chơi đối với doanh nghiệp Nhà nước, chưa áp đặt được đầy đủ ngân sách cứng và quản trị theo thông lệ thị trường sẽ không tạo ra áp lực, động lực và đòn bẩy khuyến khích mới để vừa ép buộc vừa thúc đẩy thay đổi phương thức phân bố nguồn lực, cách thức sử dụng nguồn lực… một cách thực sự.



Khi cách thức phân bổ và sử dụng nguồn lực trong khu vực doanh nghiệp nhà nước chưa thay đổi, doanh nghiệp nhà nước chưa thể cải thiện về năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh./.




Theo vietnamplus.vn