Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: in2eastafrica.net)


Cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài ở Italy đã ảnh hưởng nghiêm trọng không chỉ đến đời sống của người dân, đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên cao, mà còn tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, dẫn đến phá sản hàng loạt.



Báo cáo mới công bố của Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ Mestre (CGIA) cho hay kể từ khi cuộc khủng hoảng kinh tế bùng nổ vào cuối năm 2007 cho đến nay đã có 94.400 doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc mọi loại hình kinh tế của Italy phải ngừng hoạt động.



Các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều nhất vì khủng hoảng và buộc phải đóng cửa là xây dựng (chiếm 17,4%), giao thông vận tải (13,5%) và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại hoặc sản xuất và kinh doanh các mặt hàng thủ công (11%).



Tuy nhiên, vẫn có những ngành nghề nhỏ chống chọi được khủng hoảng. CGIA ghi nhận kể từ năm 2009-2014, đã có thêm 9.500 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vệ sinh môi trường, chăm sóc nhà cửa và làm vườn xuất hiện; thêm 3.500 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ẩm thực đăng ký kinh doanh và thêm 1.700 doanh nghiệp trong lĩnh vực phần mềm.



Mặc dù vậy, bức tranh về hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Italy trong những năm tháng khủng hoảng là xám xịt.



Theo ông Giuseppe Bortolussi, người đứng đầu CGIA, một trong những nguyên nhân khiến các doanh nghiệp loại này dễ phá sản là do vốn ít, hoạt động trong diện hẹp, phục vụ một số lượng khách hàng nhỏ.



54% trong số các doanh nghiệp vừa và nhỏ có đăng ký hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến chăm sóc nhà cửa và dịch vụ gia đình, như xây dựng; sửa chữa điện, nước; bảo dưỡng... và việc các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đứng đầu về số lượng phá sản không gây ra nhiều ngạc nhiên, do các gia đình Italy trong khủng hoảng đã cắt giảm tối đa các chi phí liên quan đến nhà cửa.



Ngoài ra, theo ông Bortolussi, suy thoái kinh tế và sự phát triển của các hệ thống sản xuất công nghiệp hoặc các trung tâm thương mại có thể khiến nhiều nghề thủ công của Italy biến mất trong những năm tới, như nghề đóng giày bằng tay, nghề cắt tóc hay nghề làm các sản phẩm từ thịt, với các cửa hàng nhỏ của họ trên các đường phố./.


Theo vietnamplus.vn